HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRÌNH SOẠN THẢO VI TRONG LINUX

I. Giới thiệu chung

Như chúng ta đã biết, trên máy chủ chạy hệ điều hành Linux và Unix đa phần chúng ta phải làm việc trên giao diện text chứ không có môi trường đồ họa GUI, cho dù là login trực tiếp hay từ xa qua ssh. Hơn nữa, trên Linux hầu hết các ứng dụng sử dụng giải pháp lưu cấu hình vào tệp tin văn bản thường (text file). Chính vì vậy bạn cần phải biết sử dụng các trình soạn thảo để có thể cấu hình các ứng dụng, ở đây hàm ý là sửa chữa các tệp tin dùng để config. Do không có môi trường đồ họa nên trên các máy chủ Linux và Unix đều có sẵn khá nhiều chương trình soạn thảo chạy trên chế độ text như nano, emacs, thậm chí bạn có thể tạo ra một file text mà chẳng cần đến một trình soạn thảo nào, nhưng nổi bật trong số đó là vi. Vi thường được cài sẵn trong các bản phân phối Linux.
Để sử dụng vi, gõ lệnh:
$ vi ten_file #Nếu file đang tồn tại, vi sẽ mở lên cho bạn nếu không sẽ tạo ra cái mới.

Bạn cũng có thể gọi lệnh vi mà không có đối số. Khi đó, lúc bạn ghi lại, vi sẽ yêu cầu tên.
Để thuận tiện trong việc thao tác, ta cần quan tâm đến hai chế độ làm việc của vi:
1. Chế độ nhận lệnh: đây là chế độ khi khởi động vi. Ở chế độ này, chúng ta dùng bàn phím để thực hiện các thao tác, giống như chúng ta sử dụng menu hay chuột trong chế độ đồ họa. Các thao tác cơ bản là:
  • Di chuyển con trỏ
  • Sao chép, xóa, cắt, dán v.v..
  • Mở tài liệu, ghi lại
  • Gọi lệnh Shell
  • Thoát ra khỏi vi
  • Và nhiều lệnh khác nữa...
2. Chế độ nhập liệu, hay còn gọi là chế độ "chèn" ,soạn thảo: trong chế độ này chúng ta có thể nhập liệu cho tài liệu bằng các gõ bàn phím.

+ Để chuyển từ chế độ nhận lệnh sang chế độ soạn thảo, ta có thể dùng một trong số các lệnh sau:

  • i a : chèn vào trước hay sau dấu nháy con trỏ.
  • I A : chèn vào đầu hay cuối của dòng.
  • o O : thêm 1 dòng mới phía dưới hay trên dấu nháy con trỏ.
+ Để chuyển từ chế độ soạn thảo sang chế độ chờ lệnh ta sử dụng phím ESC
II. Hướng dẫn sử dụng cơ bản
1. Chuẩn bị cơ bản
Gõ:

$ vi demo.txt # với demo.txt là tệp tin cần tạo mới

Chuyển sang chế độ nhập liệu bằng cách bấm "i".
Gõ dữ liệu vào, gõ vài dòng tùy thích, xuống dòng bằng ENTER. Nếu đây là lần đầu tiên sử dụng vi, bạn đừng sử dụng bất kỳ phím nào ngoài các phím [a-z] và [1-9] đặc biệt là tránh các phím di chuyển hay xóa.
Ghi lại bằng cách bấm "ESC" sau đó gõ ":w". Thoát ra bằng ":q".

2. Di chuyển con trỏ

Để di chuyển con trỏ, bạn cần chuyển sang chế độ nhận lệnh bằng phím ESC. Người mới học vi hay lẫn lộn giữa các chế độ, để đơn giản hóa, bạn chỉ cần nhớ là nhấn ESC sẽ mang bạn trở về chế độ lệnh.
Một khi bạn đã ở chế độ này rồi, việc di chuyển con trỏ soạn thảo có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:
+ Cách 1: Sử dụng các phím h,j,k,l:
  • h: sang trái
  • j: xuống
  • k: lên
  • l: sang phải
+ Cách khác là sử dụng các phím mũi tên. Cách này có ưu điểm là lô-gíc và dễ nhớ.
Cách đầu có vẻ hơi khó nhớ, nhưng ưu điểm của nó là bạn không cần phải di chuyển bàn tay sang vị trí phím mũi tên, bàn tay vẫn giữ ở vị trí cơ bản trên bàn phím.
Bạn nên tìm hiểu thêm các cặp lệnh cực kỳ hữu dụng là: {}, () và b w.

3. Xóa ký tự
(Bạn thực hiện trong chế độ chờ lệnh)
Di chuyển con trỏ đến vị trí cần xóa sau đó nhấn x. Mỗi lần nhấn x bạn xóa đi một ký tự tại vị trí con trỏ. Nếu bạn nhấn X thì sẽ xóa ký tự bên trái con trỏ.

4. Undo và Redo

Cũng giống như các trình soạn thảo hiện đại khác, bạn có thể undo và redo với vi.
Rất đơn giản, chuyển vi sang chế độ lệnh, và gõ u để undo và r để redo. Mỗi lần gỡ tương đương với một lần undo hay redo.
Đặc tính undo và redo nhiều lần cần được cấu hình thích hợp. Theo mặc định thì chức năng này chỉ thực hiện một bước.
5. Thoát ra
Bạn chỉ cần bấm "ZZ" ở chế độ nhận lệnh. Lệnh này tương đương với lệnh: ":wq" (write and quit: ghi lại và thoát ra). Nếu muốn ghi lại bằng tên mới bạn hãy thêm tham số cho lệnh là một cái tên.
Trong trường hợp bạn muốn thoát ra mà không lưu lại gì thì dùng lệnh ":q!" . Nếu không có ! bạn sẽ gặp thông báo lỗi.

6. Một số lệnh liên quan đến việc soạn thảo
Chèn ký tự vào cuối dòng: di chuyển con trỏ đến cuối dòng rồi bấm "a", hoặc dùng lệnh chuyên dụng là "A".
Xóa một dòng: di chuyển đến dòng cần xóa và bấm "dd" hay "D".
Tạo một dòng mới: di chuyển con trỏ đến vị trí thích hợp sau đó bấm "o" nếu muốn tạo thêm dòng phía dưới con trỏ; bấm "O" nếu muốn nó ở trên.
Gọi trợ giúp: Đây là lệnh đặc biệt quan trọng nếu bạn là người mới học. Để gọi trợ giúp bạn gõ ":help". Để có được các thông tin cụ thể bạn làm gõ với cú pháp ":help chủ_đề_cần". Ví dụ:Để biết lệnh x để làm gì bạn gõ ":help x"

7. Tăng tốc lệnh bằng cách sử dụng số đếm

Có lúc bạn cần phải thực hiện một lệnh nhiều lần, đây là lúc cần đến số đếm (count). Chẳng hạn bạn muốn xóa 8 ký tự, theo lệ thường, bạn sẽ gõ tám lần phím x. Thay vì làm vậy bạn có thể gõ "8x" là đủ. Tương tự bạn có thể xóa 3 dòng bằng "3dd" hay "3D".
8. Copy và Paste
Để sao chép (copy) một dòng bạn di chuyển đến dòng và chọn lệnh "yy" hay "Y".
Để dán thì dùng lệnh "p" nếu muốn đặt dữ liệu vào sau con trỏ, và "P" nếu đặt sau.
Bài viết này chỉ giới thiệu sơ lược về vi. Bạn nên đọc thêm trong phần tutor bằng tiếng Việt, sẵn có trong phần cài đặt của vim. Để có được cái nhìn đầy đủ, và sử dụng thành thạo, bạn cần đọc các tài liệu chuyên sâu hơn. Tôi xin giới thiệu một quyển sách bằng tiếng Anh mà bạn có thể tìm thấy trên Internet đó là"The Vim book" tác giả Steve Oualline.
 Vi thực sự có quá nhiều lệnh, bạn có thể in tờ ghi nhớ các lệnh của vi để dễ dàng tra cứu. Tải về tại đây.
Reactions

Post a Comment

0 Comments